Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_phòng_ngự_hồ_Balaton

Quân đội Đức Quốc xã và Hungary

Binh lực

Thượng tướng Bộ binh Otto Wöhler, chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Nam.Đại tướng SS Josef Dietrich, chỉ huy Tập đoàn quân thiết giáp SS số 6.

Tham gia chiến dịch là chủ lực của Cụm Tập đoàn quân Nam do Thượng tướng Bộ binh (General der Infanterie) Otto Wöhler chỉ huy và một bộ phận còn lại của quân đội Hungary thuộc chính phủ Ferenc Szálasi. Thành phần tham gia chiến dịch như sau:

Tổng số binh lực phía Đức và Hungary có 31 sư đoàn, trong đó có 11 sư đoàn xe tăng, và một số đơn vị khác. Tổng số gồm trên 430.000 binh lính và sĩ quan, trang bị khoảng 900 xe tăng (trong đó có nhiều xe tăng kiểu mới Con Báo, Con CọpVua Cọp), 5.600 pháo và súng cối cùng 850 máy bay.[12]

Kế hoạch

Trong khi trận địa của quân Đức tại Đông Âu đang lần lượt tan vỡ, Hitler vẫn không từ bỏ hy vọng về một cú lật ngược tình thế có thể cứu vãn được tình hình nguy kịch của Đế chế thứ ba. Một trong những đòn tấn công như vậy diễn ra ngay tại hồ Balaton, đúng vào lúc Phương diện quân Ukraina 2 và 3 đang chuẩn bị một đòn đánh mạnh vào Viên. Ý định này được kích thích từ những thành công về chiến thuật mà quân đoàn thiết giáp số 4 thể hiện trong những trận đánh ở Budapest hồi đầu năm.[13] Để thực thi ý định này, Hitler đã dùng đến một trong những lực lượng dự bị cuối cùng của mình là Tập đoàn quân thiết giáp SS số 6 của thượng tướng SS Josef Dietrich.[14] Đây là một trong những đơn vị chủ công trong trận Ardennes và nó chỉ mới vừa được rút từ Mặt trận phía Tây về hồi tháng 1 năm 1945[11].

Vị trí của hồ Balaton (màu xanh dương) trong lãnh thổ của Hungary.

Kế hoạch tấn công của Đức nhắm vào Phương diện quân Ukraina 3 mang nhiều tham vọng. Tập đoàn quân xe tăng SS số 6 chịu trách nhiệm về mũi tấn công chính, sẽ tấn công từ một khu vực phía Bắc hồ Balaton trên một chính diện rộng, với hướng chính là Székesfehérvár, với nhiệm vụ đẩy lùi Tập đoàn quân 27 (Liên Xô) và tiến đến sông Danube, tiếp cận Dunapentele (Dunaujvaros), Dunafeldvar (Dunafoldvar) và Szekszárd. Sau khi đến được sông Danube, lực lượng của Tập đoàn quân xe tăng SS 6 sẽ tách làm hai mũi Bắc và Nam. Mũi phía Bắc sẽ xuyên thủng đội hình của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6, tiến dọc theo sông Danube để tái chiếm Budapest, nơi mà Đức đã để lọt vào tay Liên Xô từ ngày 13 tháng 2 năm 1945. Mũi phía Nam sẽ tiến dọc theo kênh đào Sio để bắt liên lạc với Cụm Tập đoàn quân E Đức. Để phối hợp, Cụm Tập đoàn quân E Đức có nhiệm vụ thực hiện mũi chủ công thứ hai, tấn công tại khu vực gần điểm hợp lưu của sông Dravasông Danube, tiến đánh qua Mohács tại khu vực trấn thủ của Tập đoàn quân Bulgaria số 1 để hướng lên phía Bắc. Nếu hai mũi tấn công này gặp nhau thành công, sẽ hợp vây được các tập đoàn quân 26 và 57 Liên Xô.[15] Tập đoàn quân số 6 (Đức) có nhiệm vụ kìm chế giữ chân Tập đoàn quân 26 Liên Xô khi chúng đang bị vây và nếu được, có thể tổ chức vượt sông Danube và đánh chiếm một đầu cầu tại Dunafeldvar và Dunapentele.[11] Tương tự như vậy, Tập đoàn quân thiết giáp số 2 Đức cũng sẽ tấn công từ khu vực phía Nam hồ Balaton gần Nagybajom để kìm chế giữ chân Tập đoàn quân 57.[15] Tập đoàn quân Hungary 3 sẽ phòng ngự khu vực phía Bắc mũi tấn công chính và phía Tây Budapest tại khu vực kéo dài từ Szekesfehervar tới sông Danube.[11]

Cuộc tấn công này được đặt cho mật danh "Mùa xuân Tỉnh thức" (Fruhlingserwachen). Cái tên chiến dịch phản ánh rất rõ ràng ý định của Bộ Tư lệnh Đức Quốc xã và của bản thân Hitler về nỗ lực đảo ngược tình thế cuộc chiến hoặc chí ít cũng ngăn chặn được sự cáo chung của đế chế thứ ba. Nước Đức Quốc xã bước vào mùa xuân năm 1945 trong một cơn ác mộng khủng khiếp với những thất bại liên tiếp trên chiến trường cùng các cơ sở kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi những trận mưa bom của lực lượng không quân chiến lược Đồng Minh. Chính vì vậy, bằng cách này hay cách khác, chế độ phát xít Hitler cần phải "tỉnh thức" khỏi cơn ác mộng này.[11]

"Mùa xuân tỉnh thức" tuy có chung xuất phát điểm là khu vực giữa hồ Balaton và hồ Velence như chuỗi chiến dịch "Konrad" nhằm giải vây Budapest hồi đầu năm, nhưng nó mang nhiều đặc điểm khác biệt. Thứ nhất, trong khi Konrad chỉ nhằm giải vây cho gần 190.000 quân Đức-Hung trong "cái chảo" Budapest, thì lần này quân Đức đặt ra mục tiêu và quy mô lớn hơn, đó là hất Phương diện quân Ukraina 3 ra khỏi bờ Tây sông Danube. Điều này dẫn tới khác biệt thứ hai, đó là trọng tâm cuộc tấn công chuyển từ phía Đông Bắc hồ Velence sang phía Nam hồ Balaton. Cụ thể là mũi chủ công của Tập đoàn quân số 6 SS sẽ hướng xuống phía Nam, đánh vào sau lưng Tập đoàn quân số 57 (Liên Xô), sau cùng sẽ tiến tới hội quân với mũi chủ công của Cụm Tập đoàn quân E ở phía Nam và hợp vây cánh trái của Phương diện quân Ukraina 3. Như vậy, mục tiêu chính của quân Đức không còn là Budapest, mà là khu vực nằm giữa hồ Balaton với sông Danube.[11]

Ở đây, việc dồn quân tổ chức tấn công tại Hungary của Hitler đã bị một số tướng lĩnh dưới quyền chỉ trích kịch liệt. Theo Heinz Guderian, kế hoạch tấn công như vậy là vô lý nếu như xét đến trong thời điểm lúc đó trận tuyến của quân Đức tại Ba Lan vừa bị đục thủng một lỗ lớn và quân đội Liên Xô chỉ còn cách thủ đô Berlin vài chục cây số:

Cuối cùng, Hitler đã quyến định chuyển Mặt trận phía Tây sang thế phòng ngự và điều chuyển binh lực sang phía Đông... Tôi đã lập một kế hoạch sử dụng các lực lượng dự bị đó, dự tính điều chúng ngay lập tức tới sông Oder và, nếu thời gian cho phép, sẽ tổ chức vượt sông để làm yếu đi mũi tấn công của đối phương đang thọc vào các phòng tuyến của chúng ta bằng cách tấn công vào cạnh sườn của họ. Nhưng khi tôi hỏi Jodl rằng Hitler ra mệnh lệnh gì, ông ta bảo tôi là lực lượng chính rút từ mặt trận phía Tây (Tập đoàn quân thiết giáp số 6) sẽ được điều tới Hungary. Tôi đã mất bình tĩnh và trút cơn thịnh nộ vào Jodl. Nhưng ông ta chỉ nhún vai. Tôi không bao giờ biết liệu đó có phải là kết quả của một quyết định ảnh hưởng bởi Hitler hay không. Trong buổi báo cáo sau đó với Hitler, tôi đã đưa ra các ý kiến phản bác lại quyết định này. Hitler bác bỏ các ý kiến của tôi, nói rằng quyết định tiến vào Hungary có lý do về nhu cầu đẩy quân Nga ra khỏi sông Danube và giải vây cho Budapest. Từ ngày đó trở đi, ngày nào chúng tôi cũng tranh cãi về quyết định không may mắn đó. Khi tôi cố ép Hitler phải từ bỏ quyết định đó dựa trên các lý lẽ về mặt quân sự, ông ta nhảy sang luận điểm về tầm quan trọng chiến lược về các vựa dầu tại Hungary khi lực lượng không quân đối phương đã phá hủy các nhà máy hóa chất của chúng ta: "Nếu không có nhiên liệu thì xe tăng sẽ không chạy, máy bay sẽ không bay. Với thực tế này, ông phải chấp nhận. Nhưng các tướng lĩnh của tôi không biết tí gì về các nguồn lực chiến tranh." Ông ta bị ám ảnh bởi ý tưởng này và không ai có thể thay đổi suy nghĩ của ông ta.
— Heinz Guderian, hồi ký, trang 539-540[11][16]

Và cũng cần phải chú ý rằng, tình hình trận tuyến của Phương diện quân Ukraina 3 tại miền Tây Hungary trong tháng 3 năm 1945 khác xa nhiều so với hồi tháng 1, khi quân đoàn xe tăng số 18 suýt nữa bị nghiền nát bởi quân đoàn thiết giáp SS số 4 (Đức). Lý do đơn giản là đến thời điểm này, việc thanh toán "cái chảo" Budapest đã thực hiện xong, vì vậy quân đội Liên Xô đã có thể giải tán hai Cụm tác chiến ở Budapest và điều động binh lực của nó đến những khu vực khác trên mặt trận. Nói cách khác, trong khi Cụm Tập đoàn quân Nam được tăng cường Tập đoàn quân thiết giáp SS số 6 thì Phương diện quân Ukraina 3 cũng được bổ sung một phần đáng kể binh lực lấy từ Phương diện quân Ukraina 2 và từ các cụm tác chiến ở Budapest.[11] Ngoài ra, thời tiết chuyển biến xấu tiếp tục vô hiệu hóa "ưu thế" binh lực (mà quân Đức dự tính) do công tác vận chuyển binh lực trong điều kiện thời tiết xấu như vậy trở nên vô cùng khó khăn. Đồng thời để đảm bảo bí mật, việc chuyển quân của Tập đoàn quân thiết giáp SS số 6 chỉ được bắt đầu vào gần sát thời điểm xảy ra chiến dịch tấn công, một điều gần như là bất khả thi trong điều kiện đường đất lầy lội và thời tiết không ủng hộ. Ví dụ sư đoàn thiết giáp SS số 9 "Hohenstaufen" được yêu cầu bắt đầu chuyển quân vào lúc 13 giờ ngày 5 tháng 3 và phải đến vị trí chuẩn bị tấn công vào 4 giờ ngày hôm sau - một nhiệm vụ không thể hoàn thành được do các binh đoàn của lục lượng này đã kẹt cứng trên các con đường bùn lầy ngập ngụa. Chuyện tương tự xảy ra đối với sư đoàn thiết giáp SS số 2 "Das Reich". Khi các chỉ huy sư đoàn than phiền với ban chỉ huy quân đoàn thiết giáp SS số 2, ông ta cũng bó tay chịu trói vì không có thẩm quyền hoãn cuộc tấn công. Kiến nghị một lần nữa được đưa thẳng lên chỉ huy Tập đoàn quân Josef Dietrich, và câu trả lời của Dietrich là: "Chúng ta phải tấn công vào sáng mai." Kết quả, các sư đoàn Đức tổ chức tấn công vào "sáng mai" mà không tập hợp đầy đủ binh lực cần thiết trong biên chế của đơn vị mình.[11]

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Phương diện quân Ukraina 3:[17]

  • Tư lệnh: Nguyên soái F. I. Tolbukhin
  • Tham mưu trưởng: thượng tướng S. P. Ivanov)
  • Tập đoàn quân cận vệ 4 do trung tướng N. D. Zakhvetayev chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh:
      • Quân đoàn bộ binh cận vệ 20 gồm các sư đoàn đổ bộ đường không cận vệ 5, 7 và Sư đoàn bộ binh cận vệ 40.
      • Quân đoàn bộ binh cận vệ 21 gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 62 và 69.
      • Quân đoàn bộ binh cận vệ 31 gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 4, 34 và 80.
      • Quân đoàn bộ binh 68 gồm các sư đoàn bộ binh 52, 93 và 223.
    • Kỵ binh: Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 gồm các sư đoàn kỵ binh cận vệ 11, 12; Sư đoàn kỵ binh 63; Trung đoàn pháo tự hành 1896; các trung đoàn pháo chống tăng cận vệ 5 và 150; Tiểu đoàn xe tăng hạng nhẹ cận vệ 72; Trung đoàn cơ giới cận vệ 9 và Trung đoàn phòng không 58.
    • Thiết giáp: Quân đoàn xe tăng 23 gồm các lữ đoàn xe tăng 3, 39, 135; Lữ đoàn cơ giới 56; Trung đoàn pháo tự hành 1443; Tiểu đoàn moto 82; các trung đoàn pháo chống tăng 1501, 1669; Trung đoàn súng cối 457; Tiểu đoàn súng phun lửa tự hành 739; Trung đoàn phòng không 1697.
    • Pháo mặt đất: Lữ đoàn lựu pháo 123; các trung đoàn pháo chống tăng 438, 452, 1332; các trung đoàn súng cối 466, 493.
    • Pháo phòng không: Sư đoàn 27 gồm các trung đoàn 1354, 1358 1364 và 1370.
    • Công binh: Lữ đoàn hỗn hợp 56.
  • Tập đoàn quân 26 do trung tướng N. A. Gagen chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh
      • Quân đoàn bộ binh 30 gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 36, 68 và Sư đoàn bộ binh 155.
      • Quân đoàn bộ binh 104 gồm Sư đoàn bộ binh cận vệ 66 và các sư đoàn bộ binh 93, 151.
      • Quân đoàn bộ binh 135 gồm các sư đoàn bộ binh 74, 233, 236.
    • Pháo binh: Lữ đoàn lựu pháo 205, Trung đoàn pháo chống tăng 595, trung đoàn súng cối 175, Trung đoàn phòng không 272.
    • Công binh:Lữ đoàn hỗn hợp 20.
  • Tập đoàn quân 27 do thượng tướng S. G. Trofimenko chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh:
      • Quân đoàn bộ binh cận vệ 35 gồm Sư đoàn đổ bộ đường không 3 và các sư đoàn bộ binh 78, 163.
      • Quân đoàn bộ binh 33 gồm các sư đoàn bộ binh 202, 206 và 337.
      • Quân đoàn bộ binh 37 gồm Sư đoàn bộ binh cận vệ 108 và các sư đoàn bộ binh 316, 320.
      • Sư đoàn bộ binh cận vệ 1 (trực thuộc).
    • Pháo binh: Lữ đoàn lựu pháo 27, Trung đoàn pháo chống tăng cận vệ 315, Trung đoàn sơn pháo 480, Trung đoàn phòng không 249.
    • Công binh: Lữ đoàn hỗn hợp 43.
  • Tập đoàn quân 57 do thượng tướng M. N. Sharokhin chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh:
      • Quân đoàn bộ binh cận vệ 6 gồm Sư đoàn đổ bộ đường không cận vệ 10, Sư đoàn bộ binh cận vệ 61 và Sư đoàn bộ binh 104.
      • Quân đoàn bộ binh 64 gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 20 và 73, Sư đoàn bộ binh 113.
      • Quân đoàn bộ binh 133 gồm các sư đoàn bộ binh 84, 122 và 299.
    • Pháo binh: Lữ đoàn lựu pháo 160, Trung đoàn pháo nòng dài cận vệ 42, Trung đoàn pháo chống tăng 374, Trung đoàn súng cối 523, Trung đoàn phòng không 71.
    • Công binh: Lữ đoàn hỗn hợp 65.
  • Tập đoàn quân không quân 17 do thượng tướng không quân V. A. Sudets chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Máy bay tiêm kích: Các sư đoàn 194, 288 và 295.
    • Máy bay cường kích: Quân đoàn 10 gồm các sư đoàn 136, 189 và 306.
    • Máy bay ném bom: Các sư đoàn 244 (ban ngày) và 262 (ban đêm).
    • Máy bay vận tải: Các trung đoàn 39, 96, 227.
    • Máy bay trinh sát, cứu hộ, liên lạc: Các trung đoàn 3, 26 và 282.
    • Pháo phòng không: Các trung đoàn 1614, 1615, 1654, 1676 và 1975.
  • Một phần lực lượng của Tập đoàn quân không quân 5 do thượng tướng không quân S. K. Goryunov) chỉ huy, được phối thuộc từ Phương diện quân Ukraina 2
  • Tập đoàn quân Bulgaria 1 do thượng tướng V. D. Stoychev chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Bộ binh:
      • Quân đoàn Bulgaria 3 gồm các sư đoàn bộ binh 8, 10, 12 và 16.
      • Quân đoàn Bulgaria 4 gồm các sư đoàn bộ binh 3 và 11.
    • Pháo binh: Trung đoàn lựu pháo số 1, các trung đoàn pháo chống tăng 2 và 3, Trung đoàn phòng không số 1.
    • Thiết giáp: Tiểu đoàn xe tăng 1.
    • Công binh: Trung đoàn hỗn hợp 4.
  • Tập đoàn quân Nam Tư 3 do thượng tướng Kosta Nadj chỉ huy. Thành phần gồm có:
    • Quân đoàn bộ binh 6 gồm các sư đoàn Slovenia 12 và 40.
    • Quân đoàn Zagreb 5 gồm Sư đoàn Zagorski 32 và Sư đoàn Croatia 33.
    • Các đơn vị trực thuộc tập đoàn quân: các sư đoàn Vojvodina 16, 36 và 51.
  • Các đơn vị trực thuộc Phương diện quân:
    • Bộ binh: Sư đoàn bộ binh 21, Sư đoàn bộ binh mô tô 10.
    • Kỵ binh: Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 gồm có: Các sư đoàn kỵ binh cận vệ 11 và 12, Sư đoàn kỵ binh 63; Trung đoàn pháo tự hành 1896; các trung đoàn pháo chống tăng cận vệ 5 và 150; các trung đoàn súng cối cận vệ 9 và 72; Trung đoàn phòng không 585.
    • Thiết giáp:
      • Quân đoàn cơ giới cận vệ 1 gồm các lữ đoàn cơ giới cận vệ 1, 2, 3; Lữ đoàn xe tăng cận vệ 9; các trung đoàn pháo tự hành 382 (cận vệ), 1453 và 1821; Tiểu đoàn trinh sát cơ giới cận vệ 11; các trung đoàn súng cối 407 (cận vệ) và 267; Trung đoàn phòng không 1699.
      • Quân đoàn xe tăng 18 gồm các lữ đoàn xe tăng 110, 170 và 181; Lữ đoàn cơ giới 32; Trung đoàn pháo tự hành chống tăng cận vệ 363; Trung đoàn pháo tự hành 1438; Tiểu đoàn trinh sát cơ giới 78; các trung đoàn pháo chống tăng 452 và 1000; các trung đoàn súng cối 106 (cận vệ) và 292; Trung đoàn phòng không 1694.
      • Các đơn vị trực thuộc gồm Lữ đoàn cơ giới cận vệ 32; các lữ đoàn pháo tự hành 207, 208, 209; Trung đoàn xe tăng 249; các trung đoàn pháo tự hành 366 (cận vệ chống tăng), 864, 1201, 1202, 1891; các trung đoàn súng cối 3 (cận vệ) 53 và 67; Tiểu đoàn súng phun lửa 252.
    • Pháo binh:
      • Quân đoàn pháo binh 2 gồm Sư đoàn 9 (1 lữ đoàn pháo nòng dài, 2 lữ đoàn lựu pháo, 1 lữ đoàn súng cối); Sư đoàn 19 (1 lữ đoàn pháo nòng dài, 1 lữ đoàn lựu pháo, 1 lữ đoàn hỏa tiễn, 1 lữ đoàn pháo chống tăng, 2 lữ đoàn súng cối); Sư đoàn 7 (gồm 1 lữ đoàn pháo nòng dài, 2 lữ đoàn lựu pháo, 2 lữ đoàn hỏa tiễn và 1 lữ đoàn súng cối).
      • Các đơn vị độc lập: Lữ đoàn pháo nòng dài 506; các trung đoàn lựu pháo 152, 274; các lữ đoàn pháo chống tăng 7, 9, 10, 12, 24, 42, 43 và 49; các trung đoàn pháo chống tăng 521 và 1312; các lữ đoàn súng cối cận vệ 23, 25, 28, 35, 45, 51, 58, 61, 87 và 328.
    • Pháo phòng không:
      • Sư đoàn 3 gồm các trung đoàn 1084, 1089, 1114 và 1118.
      • Sư đoàn 4 gồm các trung đoàn cận vệ 253, 254, 268 và Trung đoàn 606.
      • Sư đoàn 9 gồm các trung đoàn 800, 974, 981 và 993.
      • Sư đoàn 22 gồm các trung đoàn 1335, 1341, 1347 và 1353.
      • Các trung đoàn phòng không cận vệ 258 và 271; các trung đoàn phòng không 82, 241, 247, 303, 470, 579, 626, 1384 và 1474; các tiểu đoàn pháo phòng không tự hành 60, 139, 227 và 504.
    • Công binh:
      • Các lữ đoàn mở đường 11 và 12
      • Các lữ đoàn cầu phà cận vệ 5 và 44
      • Trung đoàn công trình cận vệ 2
      • Trung đoàn kỹ thuật 6
      • Tiểu đoàn rà phá mìn 64

Vào lúc bắt đầu chiến dịch, Phương diện quân Ukraina 3 có trong tay 400.000 binh lính và sĩ quan, 400 xe tăng và pháo tự hành, 7.000 pháo và súng cối cùng khoảng 700 máy bay.[18] Theo A. V. Isayev, có gần 25% số xe thiết giáp của Phương diện quân Ukraina 3 là loại pháo tự hành kiểu cũ SU-76 với hỏa lực và sức mạnh không bì được so với loại StuG 3Jagdpanther của Đức, tuy nhiên số lượng của pháo tự hành chống tăng kiểu mới SU-100 lại rất lớn và được bố trí với mật độ dày đặc, ở một mức độ "chưa từng có" trên Mặt trận Xô-Đức lúc đó.[Gc 3] Ngoài ra, lực lượng dự trữ của Phương diện quân Ukraina 3 - Quân đoàn kỵ binh cận vệ số 5 - dù bị hao mòn nhiều[Gc 4] nhưng vẫn là một đơn vị có sức chiến đấu và tinh thần đáng nể, nhất là nếu xét theo chiến thuật phòng ngự mà F. I. Tolbukhin áp dụng.[11]

Như vậy, so sánh tương quan về lực lượng, hai bên có số quân gần tương đương nhau; phía Đức chiếm ưu thế về xe tăng và pháo tự hành gấp hai lần, nhưng lại kém phía Nga về pháo và súng cối. Cân nhắc về tương quan lực lượng như vậy, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô đã mạnh dạn ra quyết định chủ động tổ chức phòng ngự với lực lượng hiện có, đón sẵn mũi tấn công của quân Đức.[18]

Kế hoạch

Ba ngày sau khi chiếm được Budapest, ngày 17 tháng 2, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ra lệnh cho các phương diện quân Ukraina 2 và 3 chuẩn bị kế hoạch tiến công vào Viên. Do những tin tức trinh sát ban đầu cho thấy chỉ có những lực lượng nhỏ đối phương, nên kế hoạch tấn công được ấn định vào ngày 15 tháng 3, và nhiệm vụ chủ yếu được giao cho Phương diện quân Ukraina 2. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, một lực lượng lớn xe tăng Đức đã tấn công vào Tập đoàn quân cận vệ 7 thuộc Phương diện quân Ukraina 2 lúc đó đang làm nhiệm vụ trấn giữ bàn đạp phía Tây sông Gơ-rôn, khiến họ phải rút lui về bờ Đông.[20] Đây là một thắng lợi chiến thuật cho phía Đức, khi xóa bỏ được một bàn đạp thuận tiện cho việc tấn công vào Viên, nhưng lại là một sai lầm chiến lược, khi để mất yếu tố bất ngờ.

Nhờ vậy, trinh sát Liên Xô đã phát hiện ra sự tập trung một cánh quân mạnh với nhiều binh lực và phương tiện ở phía Bắc hồ Balaton, và sự xuất hiện của Tập đoàn quân xe tăng 6 SS vốn được tin là còn ở lại Mặt trận phía Tây. Việc điều động một binh đoàn xe tăng mạnh, từng được xem là "con cưng" của Aldolf Hitler, đến khu vực này dấy nên mối nghi ngờ về một ý đồ quan trọng của Bộ chỉ huy tối cao Đức. Điều này đã giúp cho các phương diện quân dần dần phát hiện ra lực lượng và ý đồ của đối phương.[12]

Đại bản doanh lập tức ra lệnh thông báo cho các đơn vị và theo dõi địch chặt chẽ. Việc chuẩn bị tấn công vào Viên không bỏ, mà tiếp tục được chuẩn bị thật đầy đủ.[12] Nhằm đối phó lại cuộc tấn công sắp tới của quân Đức, Phương diện quân Ukraina 3 sẽ phòng ngự có chủ định theo chiều sâu, đặc biệt là bố trí các trận địa chống tăng mạnh[18] dựa trên những kinh nghiệm của giai đoạn phòng ngự trong trận Vòng cung Kursk. Việc xây dựng các hệ thống phòng ngự được giao cho thượng tướng L. Z. Kotlyar, chủ nhiệm lực lượng công binh của Phương diện quân.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, một hệ thống phòng thủ quy mô lớn bao gồm những đoạn đường hào chằng chịt, phức tạp đã được xây dựng, trong đó có những biện pháp phòng ngự "chưa từng có" và "khủng khiếp" như các loại hàng rào điện chống bộ binh và chống xe tăng.[14] Những bãi mìn khổng lồ cũng được xếp đặt trên các hướng trọng yếu. Công tác chống tăng đặc biệt được chú trọng với 66 ổ đề kháng chống tăng cùng với 65% số pháo của Phương diện quân đã được tập trung chỉ trên 83 cây số địa đoạn mặt trận kéo dài từ Gant tới hồ Balaton. Ở các khu vực chính yếu, mật độ pháo binh lên tới 60-70 khẩu/cây số. Chiều sâu dải phòng ngự ở một số khu vực đạt tới 25–30 km. Công tác hậu cần cũng được tập trung chú trọng vì rõ ràng thành bại của một chiến dịch phòng ngự phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp đầy đủ và kịp thời nhiên liệu và đạn dược. Do hệ thống kho bãi của Phương diện quân được đặt ở bờ Đông sông Danube để tránh bị quân Đức oanh kích, quân đội Liên Xô buộc phải vận chuyển quân nhu băng qua con sông và vì vậy, họ đã xây dựng nhiều cây cầu vững chắc bắc ngang sông Danube cũng như một hệ thống đường ống dẫn dầu chạy ngầm dưới lòng sông.

Đến trước khi chiến dịch mở màn, một hệ thống phòng ngự kiên cố gồm hai lớp chiến tuyến đã được thiết lập. Lớp đầu tiên do Tập đoàn quân cận vệ số 4 trấn thủ tại khu vực Gant-Seregélyes và Tập đoàn quân số 26 trấn thủ tại khu vực Seregélyes-phía Đông hồ Balaton. Tập đoàn quân số 27 được bố trí lớp thứ hai. Hướng thứ yếu khu vực Tây Nam hồ Balaton, đoạn Etvesh-Konya (???) sẽ do Tập đoàn quân số 57 chống giữ. Cánh trái thì được giao cho Tập đoàn quân Bulgaria số 1. Bên trái Tập đoàn quân Bulgaria số 1 là Tập đoàn quân Nam Tư số 3. Lực lượng dự bị của Phương diện quân là các quân đoàn xe tăng số 18, 23, quân đoàn cơ giới cận vệ số 1 và quân đoàn kỵ binh cận vệ số 5 cùng với một số đơn vị pháo binh. Ở đây, Phương diện quân Ukraina 3 không được phép sử dụng các đơn vị dự trữ cho chiến dịch Viên để dùng cho việc chuẩn bị phòng ngự, vì vậy Tập đoàn quân cận vệ số 9 không tham gia chiến dịch phòng ngự tại hồ Balaton.

Như vậy có thể nói, Balaton là một phiên bản thu nhỏ của Trận Vòng cung Kursk xưa kia. Điều khác biệt duy nhất so với trận Kusrk là, lần này Đại bản doanh hoàn toàn tự tin về sức mạnh phòng thủ cũng như khả năng chiến thắng của mình trong trận đánh này.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_ngự_hồ_Balaton http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/17va/05.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/11.htm... http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/index.... http://militera.lib.ru/memo/other/panchevsky_p/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/13.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/20.html http://militera.lib.ru/memo/russian/agafonov_vp/03...